Dù là ví tiền vật lý hay là ví online thì việc rỗng túi cũng là cơn ác mộng mà bất cứ ai cũng không muốn gặp phải. Khi tiền hết, nó kéo theo không ít những rắc rối xung quanh, làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên “khó thở” hơn nhiều. Vậy nên, trong bài viết này, hãy cùng TNEX đi tìm hiểu những thói quen tiêu tiền nào sẽ làm “cạn ví” của bạn nhé.
5 thói quen tiêu tiền cần bỏ ngay nếu không muốn “cháy túi”
1. Chi tiêu tự do, buông thả
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng: Tiền của mình đi đâu hết rồi nhỉ? Và thường thì chính bạn cũng không trả lời được cho câu hỏi này. Đơn giản là vì bạn đã chi tiêu mà không có kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Có những khoản chi phát sinh hay không thực sự cần thiết, dù là nhỏ nhưng nếu bạn không để ý, nó có thể khiến tiền của bạn “bay đi” kha khá đấy.
Chi tiêu tự do, buông thả
2. Chi tiêu cho sự tiện lợi
Thói quen tiêu tiền nào sẽ làm “cạn ví”? Câu trả lời dễ thấy thứ hai đó là chi tiêu cho những sự tiện lợi, có sẵn. Thói quen này thường xuất hiện khi bạn bận rộn với nhiều việc, quỹ thời gian rảnh eo hẹp, hoặc đơn giản là bạn thấy lười.
Chi tiêu cho sự tiện lợi: Mua đồ ăn sẵn
Thay vì tự nấu cơm, tự pha cafe để thưởng thức, bạn lựa chọn ăn hàng, mua nước tại quán để được thưởng thức những hương vị thơm ngon mà không mất công thực hiện. Và tất nhiên, sự tiện lợi đó “nuông chiều” bạn, khiến bạn không muốn tự mình làm những việc đó nữa. Để rồi tiền của bạn cứ lần lượt “đội nón ra đi”.
3. Không làm chủ chi tiêu của mình
Tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thói quen tiêu tiền nào sẽ làm “cạn ví””, chúng ta không thể không kể tới việc chi tiêu tự do, không kỷ luật.
Theo dõi các khoản chi của bản thân mỗi tháng là điều bạn thực sự nên làm. Thói quen xài tiền không kiểm soát sẽ tiếp tay cho việc bạn dễ rơi vào tình trạng rỗng túi. Sẽ có những lúc bạn cần nhìn lại những khoản chi của mình tháng vừa rồi, nhưng thật khó khăn để có thể liệt kê tất cả chi dựa vào trí nhớ của bạn.
4. Mua sắm bốc đồng
Quyết định nóng vội thường không đem lại lợi ích tốt đẹp, đặc biệt là trong vấn đề tài chính. Bỗng dưng một buổi tối bạn lướt điện thoại, dạo quanh một vài sàn thương mại điện tử, bạn bắt gặp vô số những thứ đồ hay ho. Và chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, bạn quyết định mua nó chỉ trong chốc lát.
Nhất là khi việc thanh toán trực tuyến hiện nay quá nhanh chóng, tiện lợi. Nó làm cho việc mua sắm bốc đồng của bạn dường như chẳng gặp phải rào cản nào. Phải đến tận lúc nhận hàng và nhìn lại số tiền còn lại của mình, bạn mới nhận ra “bỗng dưng muốn khóc”…
5. Tiêu tiền để làm tâm trạng tốt hơn
Đây có thể coi là thói quen không phải ai cũng có, nhưng đã có rồi thì rất khó bỏ. Những lúc con người ta mệt mỏi, tâm trạng không tốt, ta thường có xu hướng làm những điều mình thích, chiều bản thân một chút cho mau vơi nỗi buồn. Và với suy nghĩ đó, việc tiêu xài tiền cho mua sắm sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “không phanh”. Bởi bạn chẳng thể nào biết được phải mua bao nhiêu, tiêu bao nhiêu mới khiến tâm trạng của bạn thoải mái hơn được.
Tiêu tiền để khiến tâm trạng tốt hơn
Hơn thế nữa, với tâm thế buông thả kỷ luật như vậy, bạn thường mua cả những mặt hàng không cần thiết, thậm chí là chẳng có tác dụng gì đối với cuộc sống của mình. Vậy là tiền đã ra đi một cách vô nghĩa, lãng phí.
Một số biện pháp giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn
Thiết lập và tuân thủ ngân sách chi tiêu
Hãy liệt kê những khoản chi chính mà bạn cần dùng đến mỗi tháng, ví dụ như tiền ăn uống, tiền sinh hoạt cơ bản, tiền tiết kiệm, tiền dành cho những khoản chi phát sinh khác,… Phân bổ số tiền bạn có mỗi tháng vào các đầu mục chi tiêu này, tùy vào nhu cầu cá nhân của bạn, khoản tiền cho mỗi mục đích sẽ nhiều ít khác nhau.
Lập ngân sách chi tiêu
Đừng quên việc tiết kiệm tiền. Nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều vào những tình huống phát sinh bất ngờ đấy.
Hiểu về nhu cầu chi tiêu thực sự của mình
Hãy nhớ lại chi tiêu của mình những tháng trước để thấy những khoản chi nào là cần thiết, những khoản nào có thể cắt giảm được. Chỉ bằng việc hạn chế tiêu tiền vào những hoạt động không quan trọng bạn cũng có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền đó. Ngoài ra, bạn cũng sẽ sử dụng những thứ bạn đã bỏ tiền ra mua một cách triệt để, hữu ích hơn.
Có kế hoạch cho việc ăn uống
Hãy tự đặt mục tiêu cho mình về số bữa tự nấu cơm tại nhà, số bữa được ăn hàng. Từ đó, bạn sẽ có thể lập kế hoạch mua sắm thực phẩm một cách hợp lý. Bằng cách này, bạn vẫn sẽ có những bữa ăn đầy đủ, chất lượng mà chi phí chỉ bằng một nửa so với việc ăn uống ngoài hàng quán.
Và nếu phải ăn uống tại cửa hàng, bạn cũng nhớ cân nhắc trước khi quyết định gọi món. Người bán hàng thường mời chào bạn một số sản phẩm khác của họ khiến bạn dễ bị phân vân “chọn con tim hay là nghe lý trí”…
Khiến cho quá trình mua hàng chậm lại
Khi muốn mua một mặt hàng nào đó, bạn hãy suy nghĩ kỹ xem mình có thực sự cần nó không? Mình có thích món đồ đó đến vậy không? Hãy cân nhắc về chi phí phải bỏ ra và những dự định trong tương lai của bạn. Một khi đã suy nghĩ kỹ thì tự bạn đã có thể loại bỏ đi những ham muốn nhất thời, số tiền bỏ ra là dành cho nhu cầu chính đáng của bạn. Có như vậy, đến cuối tháng bạn mới không sống trong cảm giác hối hận muộn màng.
Tổng kết
Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp phần nào câu hỏi: Thói quen tiêu tiền nào sẽ làm “cạn ví” của bạn. Trên thực tế sẽ còn nhiều thói quen chi tiêu độc hại khác, tùy thuộc vào sự tự giác của mỗi người để có thể nhận ra những điều đó và tìm cách khắc phục. Chi tiêu hợp lý là tốt, nhưng cũng đừng quá hà khắc với bản thân bạn nhé. Đôi khi, chúng ta cũng nên yêu chiều bản thân một chút, miễn là mọi thứ đều trong tầm kiểm soát của bạn.
> Xem thêm Thoải mái tận hưởng cuộc sống nhưng vẫn tiết kiệm được tiền với giải pháp quỹ chi tiêu của TNEX
#loisong #meocach #suckhoe #thoiquen #TNEX