Khoảnh khắc hai tiếng “ting, ting” reo lên cùng với thông báo biến động tăng số dư tài khoản chính là lúc tất cả mọi mệt nhọc, lắng lo của chúng ta “tan thành mây”. Một chiếc ví rủng rỉnh tiền tiêu luôn đảm bảo cho cả tháng ấm no của bạn.
Nhưng liệu bạn có “giữ gìn” và quản lý chi tiêu “đúng người, đúng thời điểm” hay không lại là một câu chuyện rất khác. Đôi khi, chỉ một chút lỡ làng mà bạn đành phải “bấm bụng” ăn mì cả tháng và hối hận vì những đơn hàng “éo le” đã đặt đấy!
Hãy cùng TNEX khám “bệnh tâm lý” để xem bạn có đang mắc “tật xấu” nào khiến mình liên tục xài tiền vô tội vạ không nhé!
“Thèm” tiêu tiền, nghiện mua sắm
Mỗi khi có tiền, dù ít hay nhiều, bạn luôn “thèm” được tiêu tiền và ham mê mua sắm, mặc cho nhu cầu chi tiêu vượt mức không thể kiểm soát. “Tật xấu” này có thể bắt nguồn từ việc bạn bị hạn chế, bó buộc chuyện tự do chi tiêu, mua sắm trong thời gian dài. Hoặc có thể đến từ việc ai đó bị ám ảnh cảnh nghèo đói, nợ nần và muốn mua thật nhiều để cảm thấy no đủ và hạnh phúc?
Sau đây, TNEX liệt kê ra một vài triệu chứng cho thấy bạn đang mắc chứng “thèm tiêu tiền”:
- Bạn luôn cảm thấy mình có một động lực bất thường nào đó thúc đẩy việc tiêu xài?
- Bạn luôn muốn phải được sở hữu ngay lập tức món hàng nào đó trước mặt và không quan tâm nó có cần thiết hay không?
- Bạn cảm thấy “nhớ thương” những trang mua sắm online nếu chỉ một ngày không lướt và đặt hàng?
- Bạn luôn trong tình trạng túng thiếu vì vung tay chi tiền quá đà?
- Bạn gặp nhiều vấn đề xung đột với người xung quanh vì thói quen mua sắm quá mức kiểm soát?
Vậy làm sao “cai nghiện” việc chứng mua sắm “khó ở, đuổi mãi không đi” này? Hãy để TNEX trổ tài gợi ý bạn một vài bí quyết sau nhé!
Suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi “xuống tiền”
Đây là phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện nhất đối với người đang khó kiểm soát việc chi tiêu và mua sắm. Bằng cách này, bạn có thể dần dần nhận ra món đồ ngày hôm qua bạn “si mê” thì hôm nay đã chẳng còn hấp dẫn bạn một chút nào.
Về việc mua sắm trực tiếp, bạn có thể chậm lại, hỏi han kỹ người bán về công dụng, thời gian sử dụng, dùng như thế nào, cho dịp gì trước khi quyết định “rinh nàng về dinh”. Hoặc bạn có thể đi mua sắm với một người bạn có thể giúp bạn bình tĩnh và ngăn cản trước khi bạn muốn mua hết tất cả sản phẩm trong cửa hàng không chút nghĩ suy.
Lưu ý là người bạn này sẽ giúp bạn kiểm soát và chi tiền cân đối hơn chứ không phải rủ rê bạn để rồi mua càng nhiều, ví càng sạch nhé!
Một cách nữa, đó là bạn có thể thay đổi địa điểm dạo chơi của mình. Thay vì “chăm chỉ” ghé thăm các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, siêu thị đồ điện tử,… TNEX gợi ý bạn đến thăm nhiều hơn các viện bảo tàng, sở thú, đường sách, công viên,… Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt việc tiếp xúc với hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng bắt mắt như quần áo, giày dép, đồ điện tử,…
Bỏ ngỏ món hàng online
Việc mua hàng online không chỉ rút ngắn thời gian, khoảng cách và cả sự lựa chọn của bạn. Bạn có thể dễ dàng bị cuốn hút bởi những hình ảnh đẹp, rực rỡ của những sản phẩm cũng như tin vào những tin nhắn seeding hay feedback ảo.
Chắc hẳn bạn cũng đã từng “rớt nước mắt” vì nhận được món hàng quá khác biệt và “ô dề” ngoài thực tế so với trên mạng đúng không?
Một tips nhỏ mà vlogger Giang ơi đã chia sẻ dành cho các cú đêm mua sắm đó là bạn có thể tạm thời bỏ ngỏ món đồ mà bạn muốn mua và chờ đợi ít nhất 3 – 7 ngày, sau đó quay trở lại và cảm nhận “Bạn còn mê mẩn và thực sự muốn mua sản phẩm này?”
Amanda Clayman – chuyên viên tư vấn và trị liệu tài chính người Mỹ đã từng lý giải về tâm lý “thèm” tiêu tiền: “Hầu hết những thứ chúng ta chọn tiêu tiền có thể liên quan nhiều đến những thứ khác như: thương hiệu và tâm trạng, hoặc đôi khi chỉ là do chúng ta cảm thấy quá buồn chán”.
Vậy nên, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và sự chờ đợi sẽ giúp bạn có thêm quyết định thông thái về việc nên hay không nên mua món đồ ấy nữa nhé.
Yêu thương hay chiều hư chính mình
Việc yêu thương bản thân là điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm cho chính mình. Bạn muốn làm những gì mình yêu thích và mong muốn bởi cho rằng những điều ấy khiến mình thoải mái và hạnh phúc.
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi “Thế nào là yêu bản thân đúng cách?” hay chưa? Trên thực tế, rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa việc yêu thương và chiều hư bản thân.
TNEX gửi bạn bảng so sánh dưới đây để bạn biết một vài dấu hiệu “Mình đang yêu hay chiều hư bản thân” nhé!
Yêu thương bản thân | Chiều hư chính mình |
Ăn uống lành mạnh | Ăn uống không đúng giờ, “mê hoặc” và ăn quá mức đồ ăn vặt, chế biến sẵn, fast food. |
Ngủ nghỉ đúng giờ | “Cú đêm, gà nướng” ngay cả khi không có việc gì |
Luyện tập thể thao để khỏe mạnh hơn | Chán ngán việc tập luyện vì lười biếng |
Chi tiêu hợp lý, ưu tiên việc cần thiết | Chi tiêu, mua sắm thật nhiều và cho rằng càng mua nhiều, yêu càng nhiều |
Việc bạn mua sắm có thể dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất, áp lực công việc và mức lương. Chưa kể đó là việc căn phòng hay tủ đồ bạn chứa quá nhiều đồ đạc không cần thiết hay không sử dụng được. Vừa mất công lại vừa mất tiền.
Quả thực, việc yêu thương bản thân không nằm ở việc bạn chi tiêu thật xa xỉ và cho rằng mình đang được yêu. Nếu bạn yêu bản thân, hãy dành thời gian khám sức khỏe tài chính chi tiêu, học hỏi về kiến thức, cân bằng ngân sách thu chi sao cho phù hợp. Thêm nữa, hãy tự tin sống trong khả năng của chính bạn chứ đừng chạy theo xu hướng của người khác vì bạn tuyệt nhất vì được là chính mình.
“Gieo thói quen – gặt tính cách, gieo tính cách – gặt số phận” – là câu nói bất hủ mà ông bà ta đã chỉ dạy. Những việc nhỏ bé cũng có thể tạo nên thành công lớn, tiết kiệm từng chút một sẽ tạo nên một ngân sách vững vàng. Khi bạn làm chủ được tài chính, thoải mái với cuộc sống hiện tại – đó là lúc bạn đang yêu mình đúng cách.
Tổng kết:
Điều chỉnh những thói quen chưa tốt không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà rất cần sự nghiêm túc nhìn nhận, kiên nhẫn đổi thay để hướng đến một cuộc sống tài chính lành mạnh và chất lượng.
TNEX chúc bạn có thêm được nhiều niềm vui hơn đến từ việc quản lý tốt tài chính cá nhân.
Xem thêm: 5 chiến thuật tiết kiệm tiền mỗi ngày
#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX