Vốn tự kinh doanh từ đâu? Bạn có đang đau đầu về vốn?

Khởi nghiệp là chuyện vốn dĩ chẳng dành cho các tay mơ bởi lẽ cần lắm sự tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị chu toàn. Có cả 1001 câu hỏi xoay quay những câu hỏi Vì sao, Làm sao, Như thế nào?,… về chuyện khởi nghiệp. Và một trong những điều khiến dân tình luôn phải băn khoăn đầu tiên đó là VỐN.

Vốn – quả thực không phải là tất cả đối với chuyện khởi nghiệp, kinh doanh nhưng lại là thứ quyết định sự sống còn doanh nghiệp của bạn đến 80%. 

“Đầu xuôi thì đuôi mới lọt”, cùng TNEX khám phá chuyện vốn tự kinh doanh – từ đâu mà có và có ra làm sao nhé!

Vốn tự thân

Nếu bạn đã có một nguồn vốn tự thân sẵn có thì đây là một lợi thế ban đầu dành cho bạn. Nguồn vốn này bắt nguồn từ quỹ tiết kiệm do bạn chăm chỉ tích lũy, làm việc góp vốn hoặc từ giá trị sản phẩm bạn xây dựng như chất xám, tài năng bản thân,…

Lợi ích của việc có sẵn vốn tự thân là việc bạn dễ dàng linh hoạt, chủ động trong việc lên kế hoạch kinh doanh, sản xuất, lộ trình sản phẩm, mô hình kinh doanh,… Bạn có thể lên các “sườn” cho doanh nghiệp của mình tùy vào nguồn vốn của mình như có nên chỉ làm online hay mở luôn cửa hàng, nếu có cửa hàng nên mở ở trung tâm hay ngoại thành, thuê ít hay nhiều nhân viên, mình có được nhận lương sau này không,…

Đặc biệt hơn, vì đây là số tiền “xương máu” của mình, bạn sẽ hiểu được giá trị và vô cùng trân trọng “đứa con” mà mình nuôi nấng. Vì vậy, bạn cẩn thận trong từng đường đi nước bước, đóng góp 100% công lực vào dựng xây doanh nghiệp.

Thế nhưng, bạn cũng cần phải nghĩ đến hai chuyện thường tình nếu bạn “thắng đậm” hoặc “thua lỗ”.

Nếu kinh doanh thắng, TNEX gửi lời chúc mừng bạn trước nhé. Rất có thể, giai đoạn sắp tới “đứa con” của bạn sẽ lớn hơn và bạn cần nhiều tiền để nuôi hơn đấy. Thế thì, nếu bạn kẹt vốn thì làm thế nào?

Nếu kinh doanh thua, chia buồn nhé. Bạn sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm rủi ro và gồng lỗ cho đến khi bạn cũng chịu thua. Trường hợp xấu nhất, bạn buộc phải đóng cửa và nói lời chia tay. Bạn có thể sẽ lựa chọn một hướng đi khác, mở một doanh nghiệp khác với những kế hoạch và nguồn vốn khác (như đi vay mượn) hoặc trở về với công việc cũ.

Vốn từ việc “làm thân”

Vui một chút, vốn từ việc “làm thân” ở đây tức là nguồn vốn từ nơi khác, cho dù bạn đi vay, gọi vốn hay góp vốn cổ phần thì vẫn luôn cần sự hiểu biết, tin tưởng giữa “đàng trai” và “đàng gái”, đó chính là đồng thuận và chấp nhận giữa các bên. 

Vay vốn

Bạn sẽ nghĩ đến ai khi muốn vay vốn khởi nghiệp đầu tiên? Đó có thể là cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè hay ngân hàng, các nguồn quỹ, tổ chức tín dụng,…

Dù bạn muốn nhận được “học bổng” từ nhị vị phụ huynh hay đạt được chấp thuận cho vay từ ngân hàng, tín dụng thì đừng quên điều kiện tiên quyết là việc đo lường khả năng tài chính chi trả của bản thân bạn và doanh nghiệp bạn muốn thành lập. Bởi lẽ, quy luật vũ trụ “có vay ắt có trả”, đừng quên nhé!

Nếu bạn không thể đo lường khả năng chi trả ấy thì khoan đã, bạn đừng vội đi vay. Bởi nếu xảy ra “đổ vỡ”, bạn sẽ không chỉ mất tiền mà còn là lời hứa, uy tín, tình thân, mối quan hệ hay tệ hơn, bạn sẽ mắc nợ ngân hàng và được “ưu tiên” lọt vào danh sách đen. Nếu lãi cao, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị khấu trừ từ lợi nhuận.

Dù vốn góp là từ gia đình, bạn bè, hay quỹ đầu tư người gọi vốn cần ý thức trách nhiệm và minh bạch trong việc sử dụng tiền. Việc báo cáo tiến độ sử dụng tiền, tiền rót vào những mục nào, bao lâu thì hoàn vốn và có lời để trả nợ, sẽ trả nợ trong thời hạn như thế nào?,… Đây vốn là những việc rất căn bản và bắt buộc cần phải có trong bảng báo cáo tài chính.

Một điều lưu ý, rất nhiều người đã chấp nhận việc thế chấp tài sản cá nhân cho việc vay nợ. Bạn hãy cân nhắc thật kỹ càng trước khi đi đến quyết định này, bởi khi có nợ đó sẽ trở thành nợ cá nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình bạn.

Đóng góp cổ phần 

Đây đích thực là câu chuyện “hôn nhân” trong kinh doanh vì sự tin tưởng, ảnh hưởng lẫn nhau và một bản cam kết pháp lý là điều rất cần thiết. Trước khi tiến đến “hôn nhân”, bạn và đối tác cần phải “hẹn hò” để tìm hiểu lẫn nhau. Nếu hai bạn hợp nhau và đồng ý về chung một nhà thì tổ chức đám cưới (lễ ký hợp đồng đầu tư) và giấy tờ pháp lý đầy đủ. 

Chuyện tối quan trọng ở đây đó là sự cam kết, thỏa thuận giữa hai bên thật rõ ràng và cẩn thận trước khi chính thức “về nhà chung”. Đó là việc “anh” sẽ chiếm bao nhiêu cổ phần, đóng góp bao nhiêu tiền, tiền đó sẽ dùng cho khâu nào, “anh” có cho “người nhà” vào công ty hay không, có tham gia đến chiến lược hay khâu vận hành,…

Bản chất của việc kêu gọi cổ đông chính là việc bạn bán đi một phần của công ty mình để đổi lại vốn và các nguồn lực khác như đóng góp chuyên môn, chiến lược, nhân sự,… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Những nhà đầu tư này hoàn toàn có thể đến là người thân, gia đình hoặc các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư,… Họ có thể đóng nhiều vai trò khác nhau cũng như chấp thuận việc quyền hạn của mình ở mức nào.

Đối với các Silent investor (nhà đầu tư im lặng), họ không tham gia vào chiến lược cũng như vận hành của công ty. Riêng Co-founder thì đồng vận hành và đóng góp vốn ngang nhau theo tỷ lệ. Các quỹ đầu tư sẽ ưu tiên góp vốn vào các công ty tầm cỡ và có sử dụng công nghệ đồng thời lựa chọn trở thành thành viên trong nhóm hội đồng quản trị nhằm đóng góp vào chiến lược.

Gọi vốn từ các nền tảng vốn, cuộc thi, game show

Với hình thức này, bạn chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến Shark Tank – sân chơi gọi vốn cho những nhà khởi nghiệp chuyên nghiệp, tài năng và đầy tâm huyết.

Bên cạnh đó, các nền tảng hỗ trợ như vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp như BSSC, Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh WISE,… đều là nơi tiềm năng giúp bạn tranh tài và thuyết phục các nhà đầu tư.

Để giành phần “thắng” và có cơ hội nhận đầu tư, bạn cần chuẩn bị thật tốt bài thuyết trình làm sao để ấn tượng và đừng quên kế hoạch kinh doanh cùng báo cáo tài chính. Minh bạch và định giá cổ phần công ty đúng giá chính là một lợi thế tối ưu giúp bạn ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư.

Một điều lưu ý đó là không phải bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng có đủ sức để “chinh chiến” thị phần này bởi để lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư đòi hỏi ý tưởng, sản phẩm kinh doanh của bạn phải có sự khác biệt, đột phá và có tiềm năng trở thành “kỳ lân” tại thị trường. Ngoài ra, nếu bạn kinh doanh các sản phẩm liên quan đến công nghệ hoặc sử dụng công nghệ là “dây chuyền” chính thì bạn có thể cân nhắc với các quỹ đầu tư chuyên cho công nghệ. 

Dù có nhận được cơ hội đầu tư hay hợp tác đồng hành hay không, TNEX tin bạn sẽ có được thêm những kinh nghiệm, khả năng thuyết trình, ứng biến trước những câu hỏi hóc búa, rèn luyện tinh thần thép cũng như có thể quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp đến nhiều người hơn nữa.

Sau “bể cá mập”, đó sẽ còn là câu chuyện dài hơi về vấn đề thẩm định chi tiết giữa các nhà đầu tư và nhà khởi nghiệp sau này. Đến lúc này, thành bại chính là nằm ở mức độ trung thực, tinh thần mong muốn hợp tác và việc thống nhất quyền lợi nhuận giữa các bên.

Tổng kết

Khởi nghiệp – một hành trình đầy sự lao nhọc nhưng cũng đáng để trở thành một kỷ niệm thời thanh xuân của mỗi chúng ta. Mong rằng, bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về các nguồn vốn và phương thức gọi vốn. Đối với vấn đề tài chính, sự minh bạch và chính xác là yếu tố hàng đầu để giúp bạn có thể đi đường dài và tiến triển xa hơn mỗi ngày.

TNEX là ngân hàng thuần số cung cấp dịch vụ tài chính miễn phí và thuận ích sống dành cho người Việt, TNEX giúp bạn tận hưởng tháng năm rực rỡ của thanh xuân với những tính năng vượt trội giúp bạn quản lý thu nhập tài chính với độ an toàn thông tin cực kỳ cao và tránh rủi ro.

Trải nghiệm cùng TNEX để nhận được những tiện ích bất ngờ!

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Xem thêm: Ghi nhớ ngay 8 bước đầu kinh doanh dành cho người mới

 

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!