Millennials vs GenZ
Khi Millennials được biết đến là thế hệ đi đầu cách mạng số, là nhóm người khai sinh và làm chủ mạng xã hội, thì GenZ được biết là thế hệ lớn lên giữa sự song hành của mạng xã hội – thế giới ảo. Nếu một bên giàu kinh nghiệm chuyên môn, nhuần nhuyễn cách thức ứng xử trong môi trường làm việc truyền thống tại Việt Nam thì bên còn lại luôn dám thử thách và cải biến nét truyền thống trong công việc để hội nhập với môi trường làm việc quốc tế. Như vậy, chỉ bằng vài phép so sánh nhỏ, thật dễ dàng để nhận ra được sự khác nhau về đặc tính của Millennials và GenZ.
Tuy nhiên, khi đặt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp hiện nay, giữa hai thế hệ này lại có nhiều điểm chung hơn bạn tưởng.
Cùng trải nghiệm quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp
Có thể nói hiện nay, Millennials và GenZ chính là lực lượng lao động chính của đất nước ta. Vậy nên khi Việt Nam đang tích cực trong quá trình chuyển mình để hội nhập với quốc tế như thời điểm hiện tại, chắc chắn hai nhóm thế hệ này cũng phải thích nghi với bối cảnh. Và đặc biệt họ đang đứng giữa thời điểm các doanh nghiệp thay đổi từ mô hình tổ chức công ty truyền thống sang mô hình tổ chức toàn cầu, từ mô hình dự án cấp bậc (waterfall) sang mô hình linh hoạt (agile). Với việc thay đổi này, mỗi cá nhân trong một tập thể, không tách biệt Millennials hay GenZ, đều được đòi hỏi học cách chủ động, độc lập trong công việc nhiều hơn song vẫn biết giao tiếp trong nhóm.
Cùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Trong hai năm trở lại đây, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Từ những thiệt hại về sức khỏe, an ninh quốc gia cho đến nền kinh tế thế giới và của từng quốc gia cũng bị đình trệ. Và khi kinh tế bị thiệt hại sẽ dẫn đến những hậu quả như doanh nghiệp đóng cửa, kéo theo tỷ lệ lao động trẻ, ở đây chính là thế hệ Millennials và GenZ, bị mất việc vô cùng lớn.
Trải qua đại dịch, họ buộc phải học cách thích nghi, chuẩn bị tinh thần trước mọi biến động. Họ đã dần bắt kịp và làm chủ được được xu thế làm việc tại gia, làm việc qua các công cụ trực tuyến, biến tình huống bất lợi (không thể đến công ty làm việc) thành lợi thế (làm việc tại gia).
Cùng có những thử thách phải đối mặt
Bên cạnh được những điểm mạnh trên của họ, thì cả hai thế hệ này đều có những điểm yếu cần phải khắc phục. Về Millennials, họ được biết đến là “Thế hệ nhảy việc” bởi theo khảo sát GenY của Navigos Group, có tới 69% của thế hệ này trả lời họ đang cân nhắc chuyển việc và 70% số người được khảo sát đều chỉ làm việc tại một công ty nhiều nhất là 4 năm. Như vậy, tính trung thành với một tổ chức, công ty của Millennials là một điều đáng quan tâm. Mặt khác, với GenZ, theo khảo sát của Anphabe Việt Nam, thế hệ này lại có khả năng chịu áp lực kém hơn các thế hệ đi trước. Dù có tính học hỏi cao, tự tin với các kỹ năng làm việc nhóm, làm việc cá nhân nhưng lại ngại đối mặt với các lời phê bình, và thiếu kỹ năng lãnh đạo.
Như vậy, có thể thấy ở thời điểm xã hội hiện nay, hai thế hệ Millennials và GenZ mặc cho có những đặc tính khác nhau nhưng khi đặt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp thì đều có những điểm mạnh giống nhau và đều cùng có những điểm yếu cần khắc phục. Bởi vậy, có lẽ chúng ta nên dừng việc so sánh tính chuyên nghiệp trong công việc giữa hai thế hệ này lại và thay vào đó hãy đặt kỳ vọng vào họ khi cùng là thế hệ lao động trẻ với nhiều cống hiến có ích cho xã hội Việt Nam trong tương lai.
Thế nào là GenPRO?
Có thể nhiều người vẫn luôn bị nhầm lẫn sự chuyên nghiệp trong công việc nằm ở trình độ cá nhân có cao hay không. Tuy vậy, để hiểu chính xác thì tính chuyên nghiệp của một người lao động sẽ nằm ở cách họ làm việc. Vì vậy, GenPRO sẽ là thế hệ lao động trẻ bao gồm cả nhóm lao động văn phòng lẫn công nhân, nhóm nhân lực có trình độ cao lẫn nhóm phổ thông với kỹ năng cơ bản. Và họ cũng sẽ là thế hệ có khả năng làm chủ, dung hòa, kỹ năng cứng cùng kỹ năng mềm, cũng như mang trong mình những điểm tương đồng dưới đây:
Năng lực là tự học
Là thế hệ học tập và làm việc chính trong giai đoạn công nghệ kỹ thuật phát triển, trí thông minh nhân tạo (AI) đang dần được đưa vào lao động thực tiễn, sẽ là không thể tránh khi họ phải đối mặt với nguy cơ công việc bị thay thế bởi robot ngày càng cao. Chính vì vậy, họ sẽ phải không ngừng tiếp thu cái mới, mở rộng tầm hiểu biết và học từ bất kỳ ai, bất kỳ nguồn nào.
Luôn thử thách mọi giới hạn, tìm cách làm việc tối ưu
Nếu ở các thế hệ người lao động Việt Nam trước đây, việc chăm chỉ lao động không kể ngày đêm là điều được đặt lên hàng đầu, thì ở thời đại mới này, làm việc sao cho đạt mức tối mức tối ưu mà vẫn đảm bảo cân bằng cuộc sống lại được GenPRO quan tâm hơn. Giờ đây với thế hệ lao động chuyên nghiệp, sự hiệu quả trong công việc không nên chỉ đo bằng thời gian hoàn thành việc. Thay vào đó, hãy đánh giá những hiệu quả về lâu về dài từ công việc GenPRO đã làm đã để lại là như thế nào.
Tôn trọng sự khác biệt
Với thời điểm xã hội mở cửa với những sự đổi mới trong kinh tế, văn hóa như hiện nay, sẽ không còn quá xa lạ khi các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đón chào nhiều lao động ngoại quốc. Cùng với những lợi ích về kiến thức chuyên môn chung của nhân viên được tăng lên thì những vấn đề về khác biệt quan điểm, sắc tộc, tôn giáo,…cũng được quan tâm ngày một nhiều. Nhận thức được điểm này, thế hệ lao động chuyên nghiệp của Việt Nam luôn đề cao sự đa dạng văn hóa, cũng như sự tôn trọng, cởi mở đón nhận đối với những đồng nghiệp từ các nước khác tới.
EQ được đề cao như IQ
Sự chuyên nghiệp không chỉ được thể hiện trong quá trình làm việc của một cá nhân mà còn ở cách họ làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng. Chính vì vậy, với thế hệ lao động chuyên nghiệp EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) cũng được họ quan tâm nhiều như IQ (chỉ số thông minh).
Kết lại, GenPRO là một khái niệm mới để chỉ chung bất kỳ lao động trẻ, có tiềm năng phát triển, đem lại lợi ích cho xã hội. Và bất cứ ai dù là Millennials hay GenZ cũng đều có thể trở thành GenPRO khi sẵn sàng học hỏi, thử thách cái mới và không sợ thay đổi để trở nên chuyên nghiệp hơn.
Nguồn: Travelling Cat – Vietcetera
#loisong #meocach #suckhoe #thoiquen #TNEX