Tháng 3,4 hàng năm là giai đoạn dễ “dứt áo ra đi” với công ty cũ, và hoang mang trước biển lớn công ty mới. Nếu bạn đang chuẩn bị cho một công việc mới, hoặc đơn giản là cần một cú nhảy khỏi công việc hiện tại của mình, hãy xem 3 lời khuyên của TNEX để có sự chuẩn bị tài chính tốt nhất trước khi nghỉ việc nhé
Đánh giá lại sức khỏe tài chính
Lộ trình nghỉ việc an toàn nhất là khi bạn đã có kế hoạch cho công việc kế tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa xác định được “bến đỗ” mới, bạn cần phải xem xét lại tình hình tài chính của mình.
Bạn có thể đánh giá được sức khoẻ tài chính của mình có tốt hay không dựa vào 4 yếu tố: tình trạng nợ, quỹ dự phòng, bảo hiểm sức khỏe, khả năng độc lập tài chính. Nếu bạn gặp khó khăn ít nhất 1 trong 4 yếu tố trên, nghỉ việc sẽ là một quyết định rất rủi ro cho bạn. Đặc biệt, nếu bạn còn nhiều khoản nợ và chưa lập quỹ dự phòng, có lẽ bạn nên cân nhắc lại về quyết định nghỉ việc của mình.
Ngược lại, nếu sắp tới có công việc mới đang chờ đón bạn, cùng mức lương hay các đãi ngộ tốt hơn, bạn không cần phải lăn tăn nhiều về tài chính của mình. Bạn có thể nhân cơ hội này để được nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng.
Chuẩn bị quỹ dự phòng
Để có thể an tâm nghỉ việc, bạn cần chuẩn bị một quỹ dự phòng có thể trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian không có việc làm.
Trước tiên, bạn nên lập danh sách các chi phí cố định hàng tháng như: tiền thuê nhà, thực phẩm, tiện ích, bảo hiểm, khoản trả góp, nợ khác… Sau khi tính được con số cụ thể, bạn cần bắt đầu tiết kiệm một quỹ dự phòng đủ chi trả cho các chi phí trên ít nhất từ ba đến sáu tháng. Ngay cả khi quá trình tìm kiếm việc làm mới của bạn không mất nhiều thời gian như vậy, bạn cũng nên chuẩn bị cho những khoản phí phát sinh không thể lường trước được.
Bạn cũng có thể tạm dùng quỹ khẩn cấp như một khoản dự phòng. Một quỹ dự phòng lý tưởng sẽ đủ lo cho ít nhất 1 năm phí sinh hoạt căn bản. Chẳng hạn, một tháng bạn cần 10 triệu tiền phí sinh hoạt, vậy quỹ dự phòng lý tưởng của bạn cần 120 triệu. Vì thế, kể cả chưa có ý định nghỉ việc, bạn nên có ý thức xây dựng quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt khi còn đang đi làm.
Xem thêm: 5 Gợi ý cho Gen Z cách kiếm tiền từ nguồn thu nhập thụ động
Sau khi nghỉ việc, bạn cũng có thể tích luỹ quỹ dự phòng bằng các công việc freelance hay part-time như làm gia sư, viết lách, làm cho các dự án phi chính phủ. Từ đó, bạn vừa có thể phát triển các kỹ năng giúp ích cho công việc sau này, vừa có thêm “chút đỉnh” để bỏ vào quỹ dự phòng.
Chuẩn bị một quỹ dự phòng trước khi nghỉ việc là điều cần thiết
Thắt chặt chi tiêu và tận dụng quyền lợi của người “thất nghiệp”
Hiện nay, có nhiều nguồn tài chính hỗ trợ cho người lao động như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp. Tuy nhiên, chúng thường dễ bị các bạn trẻ bỏ qua vì không đủ kiến thức. Đây lại chính là những nguồn hỗ trợ góp phần không nhỏ cho việc đảm bảo sức khỏe tài chính hậu nghỉ việc của bạn.
Theo điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Vậy nên, chỉ cần đóng đủ đầy đủ bảo hiểm trong quá trình đi làm là bạn đã có cho mình một phần hỗ trợ tài chính ngay khi vừa nghỉ việc.
Con số tương đương 60% thu nhập hàng tháng này sẽ tương đối đủ để bạn trang trải chi phí tiêu sinh hoạt tối thiểu trong thời gian tìm kiếm công việc kế tiếp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cắt giảm các chi phí không cần thiết trước đây như ăn uống ngoài, mua sắm vật dụng không quá cần thiết, cùng các chi phí giải trí khác.
Nếu không có kế hoạch thu chi và tiết kiệm hợp lý, bạn có thể sẽ lâm vào cảnh dùng sạch số tiền dự phòng và hỗ trợ thất nghiệp sau vài tháng đầu nghỉ việc. Tình huống thiếu hụt về tài chính có thể khiến bạn không đủ lý trí để chọn lựa một công việc phù hợp và ổn định, mà nghiêng về “chọn bừa” bất cứ công việc nào trước mắt cho bạn đủ tiền để tiêu dùng ở những tháng sau.
Cho mình một cơ hội để suy nghĩ thật kỹ
Nghỉ việc vẫn là một quyết định quan trọng. Vì nó là thời điểm bạn cần nhìn lại quãng đường đã đi qua và hướng về tương lai. Để không biến nghỉ việc thành một hành động nhất thời khiến bạn phải nuối tiếc về sau, bạn cần nắm rõ về ưu và khuyết điểm để so sánh giữa công việc cũ và công việc mới (nếu có).
Trước tiên, bạn cần đặt các câu hỏi xoay quanh quyết định “Tôi sẽ nghỉ việc”. Đối với mục ưu điểm, bạn có thể đặt ra những câu hỏi như:
- Bạn sẽ nhận được những lợi ích gì mà công việc hiện tại không cho bạn?
- Bạn có thể đạt được thành tựu mới nào?
- Công việc mới sẽ đóng góp như thế nào cho mục tiêu nghề nghiệp của bạn?
- Công việc mới sẽ giúp bạn định vị bản thân như thế nào cho sự phát triển về chuyên môn trong tương lai?
- Công việc mới sẽ giúp ích như thế nào đến những xung quanh bạn?
Đối với mục khuyết điểm, các câu hỏi tiềm năng sẽ là:
- Bạn đang muốn từ bỏ điều gì khi bước sang công việc mới?
- Những rủi ro liên quan đến quyết định này là gì?
- Công việc mới có những thách thức gì và bạn có thể vượt qua chúng không?
- Công việc mới sẽ cản trở hoặc có thể trì hoãn các mục tiêu nghề nghiệp của bạn như thế nào?
- Công việc mới sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến những người xung quanh bạn?
Tiếp đến, bạn sẽ lập một bảng gồm 2 cột, bên trái liệt kê câu trả lời cho các “ưu điểm”, bên phải sẽ là mục “khuyết điểm”. Để dễ dàng đánh giá hơn, bạn có thể chấm điểm cho từng ý đã liệt kê. Ở mục ưu điểm, bạn có thể chọn thang điểm từ 0 đến +5, với +5 là rất thuận lợi. Ở mục khuyết điểm, thang điểm sẽ là từ 0 đến -5, với -5 là rất không thuận lợi. Suy nghĩ về từng gạch đầu dòng và cho ghi điểm một cách khách quan nhất có thể, vì chúng sẽ góp phần ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng.
Sau khi hoàn thành, bạn hãy tổng kết điểm số trong mỗi cột, rồi tính tổng điểm của 2 cột ưu điểm và khuyết điểm. Điểm tổng dương – đồng nghĩa với việc lợi nhiều hơn hại, cho thấy bạn nên thực hiện quyết định nghỉ việc, trong khi điểm âm cho thấy bạn nên tiếp tục với công việc hiện tại.
Ví dụ:
Ưu điểm | Khuyết điểm |
Tổng: +14 |
Tổng: -11 |
Tổng điểm: +3. Như vậy, bạn nên nghỉ công việc cũ để chuyển sang công ty mới.
#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX