Với nhiều người, du lịch là hoạt động ý nghĩa, cần thiết mỗi khi hè đến. Khi muốn “đổi gió”, họ mong muốn được xuất ngoại trải nghiệm những điều thú vị, mới mẻ ở quốc gia khác.
Tuy nhiên, những chuyến đi kiểu này thường chỉ xuất hiện trên kế hoạch “suông” vì nhiều lý do, dễ thấy nhất là nỗi lo về tài chính. Rõ ràng, không phải ai cũng sẵn sàng chi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho một lần nghỉ “xả hơi”.
Thực tế, chúng ta vẫn có thể thực hiện ước mơ xuất ngoại du lịch mà chẳng cần chi một khoản phí khổng lồ như hình dung trước giờ. Hãy để TNEX bật mí một số “bí kíp” cho bạn nhé!
1/ Lựa chọn du lịch nước ngoài mùa thấp điểm
Mỗi quốc gia trên thế giới gần như có số lượng ngày nghỉ lễ và lịch nghỉ lễ khác nhau. Các dịp lễ của họ có thể kéo dài đến cả tuần.
Bên cạnh các kỳ lễ riêng, chúng ta cũng nên để ý các ngày lễ mang tính phổ biến toàn cầu như lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch (lịch Mặt trời, hầu như tất cả quốc gia/vùng lãnh thổ sử dụng lịch này), Tết Nguyên đán (lịch Mặt trăng, dùng tại các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, cộng đồng dân cư tại Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan…).
Trong quãng thời gian này, giá các dịch vụ vận tải, lẫn dịch vụ lưu trú và ăn uống đều trở nên rất khó mua vé, đặt bàn. Chưa kể nữa là giá vé tăng “chóng mặt”. Vì vậy, để tiết kiệm, bạn nên theo dõi và nên tránh những dịp này.
Tuy nhiên, nếu vẫn muốn tận hưởng không khí của các dịp nghỉ lễ này, các bạn có thể mua vé bay sớm hơn dự kiến (có thể trước 1-2 tháng) hoặc chọn trước/ sau kỳ nghỉ của họ khoảng 1-2 tuần thì giá vẫn ổn.
Chẳng hạn, nếu muốn đến Singapore dịp Trung thu ngắm trang trí đèn lồng ở Chinatown, hãy tranh thủ đặt vé bay vào đầu tháng 9 thay vì đợi chính lễ vào giữa tháng.
2/ Kiểm tra giá vé bay, khách sạn ở nhiều kênh bán khác nhau
Hiện tại, thị trường đặt vé máy bay – khách sạn đã có hàng nghìn website, ứng dụng từ nhiều quốc gia. Mỗi dịch vụ lại có các ưu nhược điểm khác nhau. Những người thường xuyên đi sẽ biết trang nào phù hợp với họ. Tuy nhiên, không phải lúc nào trung thành với một nền tảng cũng là điều tốt. Bên cạnh đó, cân nhắc các khách sạn gần trạm tàu điện hoặc trạm xe buýt hay trạm đón taxi để tiện cho việc di chuyển cũng là một gợi ý không tồi.
3/ Lưu trú tại homestay/hostel
Thay vì ở các khu resort hay khách sạn sang chảnh, việc ở homestay hoặc hostel sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều. Đặc biệt, nếu thuộc type năng động, thích nói chuyện, hostel là một nơi lý tưởng cho cô để gặp gỡ, kết bạn với những bạn nước ngoài khác.
Thông thường, giá phòng của những homestay/hostel dao động trong khoảng vài trăm ngàn đồng/đêm, có thể bao gồm ăn sáng.
4/ Vừa du lịch vừa làm việc online
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ hướng đến phương án vừa du lịch, vừa làm việc online (digital nomad).
Họ có thể làm việc tự do và ngắn hạn cho các dự án như biên kịch, thiết kế, biên dịch, quản lý mạng xã hội, lập trình viên…); làm việc từ xa cho một số doanh nghiệp nhất định; kinh doanh các dòng sản phẩm online (làm blog du lịch, website tour du lịch, kênh Youtube, khóa học online, shop online, kênh podcast…). Để cân bằng giữa công việc và du lịch, bạn phải có một lịch trình cụ thể cũng như đặt ra nguyên tắc và deadline cho chính mình.
Ăn uống, mua hàng tại khu sinh hoạt của dân địa phương
Đây là một trong những mẹo quan trọng, giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền khi đi du lịch. Khi đến nơi xa lạ, chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm các quán ăn trên mạng. Tuy nhiên, kết quả thường trả ra là những nhà hàng hoặc quán ăn nổi tiếng. Những quán nổi tiếng này chưa chắc là điểm đến quen thuộc hoặc là món ăn hằng ngày của dân địa phương.
Hãy chịu khó tản bộ trên các con phố, biết đâu bạn sẽ tự khám phá được một hàng ăn địa phương rất ngon nhưng lại rẻ. Một cách nữa là trò chuyện với người địa phương, họ sẽ sẵn lòng chỉ bạn quán họ hay dùng bữa.
Mạnh dạn nói “không”
Tâm lý chung của phần lớn người trẻ khi du lịch đến vùng đất mới là muốn trải nghiệm càng nhiều thứ càng tốt, từ tham quan địa danh đến hàng quán địa phương.
Tuy nhiên, chúng ta cần biết kiểm soát ham thích của bản thân để tránh bị mất tiền không đáng, thậm chí là mất tiền oan uổng. Quan trọng hơn cả, trước chuyến đi, bạn cần vạch sẵn kế hoạch chi tiêu, tự đo lường thói quen dùng tiền của mình để không rơi vào cảnh “rỗng ví” sau mùa du lịch. Nhờ đó, chuyến đi mới thực sự đáng nhớ, cũng như “tạo đà” cho những lần xuất ngoại tiếp theo.
Hy vọng những mẹo trên sẽ giúp ích, hỗ trợ các bạn có chuyến du lịch chung nhiều kỷ niệm. TNEX chúc mọi người một mùa hè thật vui!
#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX