Dịp Sale giảm cực sốc đã đến và bạn đã có thể mua món đồ mà mình say mê bấy lâu nay. Quần áo, túi xách, giày dép, đồ điện tử… – giảm quá sốc, vui quá xá!
Vui mừng, hí hửng và hạnh phúc làm sao nhưng khoan, dừng khoảng chừng 2 giây!
Liệu bạn đang bị thao túng tâm lý bởi các chuyên gia bán hàng hay không vậy ta? Bạn đang trả tiền nhiều hơn mức bình thường đấy, bạn có tin không?
Cùng “điểm mặt” những chiêu trò siêu ảo của các nhà bán lẻ mang tên “hàng giảm giá” nhé!
Giảm giá kịch sàn – ảo tung chảo
“Giảm giá kịch sàn” – cụm từ khiến đôi mắt của các tín đồ mua sắm nở rộ hình trái tim. Vừa mua được đồ mình thích, lại được giá hời, ngại chi không mua đúng không nào?
Mỗi dịp Sale giảm giá, các bảng hiệu “mỹ miều” luôn giăng kín các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, tiệm cắt tóc,… với “giảm giá sốc”, “siêu giảm giá”, “bão sale”, “bán hàng phi lợi nhuận”, “giảm sốc 70%”,… để thu hút các “thượng đế”.
Bật mí cho bạn một bí mật cũng “sốc” chẳng kém gì các con số siêu sale: trên thực tế, rất nhiều sản phẩm đã được “đội” giá lên cao hơn trước khi giảm. Hơn hết, việc giảm giá này đến đâu còn tùy thuộc vào từng cửa hàng.
Bạn đã bị thao túng bởi hiệu ứng mỏ neo rồi nhé! Hiệu ứng này dựa vào việc bạn bị “đánh phủ đầu” bởi thông tin ban đầu, sau dựa vào đó để đưa ra đánh giá với thông tin phía sau.
Cụ thể, khi bạn được đặt vào tình huống so sánh giữa giá gốc và giá giảm để rồi “ảo tưởng” về con số chênh lệch, tức khoản tiền mình tiết kiệm được. Và thế là mua!
Thu Hoài – nhân viên văn phòng tại quận 1, “ngậm ngùi” kể chuyện mua hàng giá sốc: “Bộ đồ tập Yoga mình định mua trước đó vào tháng 4 có giá 250.000đ, đến đầu tháng 5, shop có chương trình giảm giá ưu đãi tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, khi nhìn vào giá gốc 530.000đ, sau đã giảm 50% thì mình hết hồn với mức giá 265.000đ.”
Với những người mới mua hoặc lần đầu nghe tin khuyến mãi, hầu hết mọi người sẽ rất hứng khởi và quyết định “mua đi, giảm giá rồi”, tuy nhiên bạn quả thực đã sập bẫy muốn bạn tập trung vào số tiền “TIẾT KIỆM” và đánh lạc hướng, khiến bạn quên bẵng đi số tiền đã “CHI TIÊU”.
Một mẹo thú vị khác nữa mà người bán hàng hay dùng là giảm giá những món đồ đắt tiền hơn để làm tăng cảm giác hạnh phúc cho khách hàng vì được mua hàng giá hời.
Bí kíp để tránh “lọt bẫy” đó là bạn có thể xác định và tham khảo mặt hàng mình muốn mua ở nhiều cửa hàng và so sánh giá cùng mẫu sản phẩm từ các tháng khác nhau. Trên hết, cần tự hỏi xem bạn có thật sự cần món đồ hay không, bạn mua vì chỉ giảm giá hay vì bạn cần và muốn.
Combo ưu đãi – mua 01 tặng 01?
Ngoài những ưu đãi giảm giá, các nhà bán hàng đã “cao tay” hơn khi đưa ra thủ thuật “gói ghém combo, mua càng nhiều ưu đãi càng nhiều.” Chiêu này khiến khách hàng bị choáng ngợp bởi số lượng sản phẩm mà mình nhận được với mức giá “yêu thương”.
Bẫy này được gọi là bán chéo (cross-selling) và bán thêm (up-selling), nhân viên sẽ đưa ra những sản phẩm đi kèm cùng mức giá mời chào vô cùng ngọt ngào. Ví dụ nếu bạn mua hai chiếc áo sơ – mi nam bạn sẽ được mua thêm cà vạt với giá giảm 10%. Hoặc sản phẩm combo mua 2 dầu gội đi kèm thì được tặng 50% giá mua dầu xả. Điều này cho thấy, tất cả các combo đều không phải là sự kết hợp ngẫu nhiên.
Đặc biệt, khi mua hàng qua livestream, bạn sẽ bị “tấn công” tới tấp bởi nhịp điệu gấp gáp, âm lượng giọng nói to cùng câu từ “giảm giá khi mua combo”, “chỉ còn 10 combo duy nhất được giá ưu đãi”,…lặp đi lặp lại và seeding “ảo diệu” từ đội nhóm bán hàng. Chính vì vậy, chiêu thức mua combo tặng kèm sản phẩm được áp dụng triệt để hiệu quả.
Ngoài ra, ván bài “mua 01 tặng 01” cũng khiến nhiều người “rung động” và “xao xuyến” khi lầm tưởng đó là mua 02 chiếc như nhau nhưng chỉ tính tiền 01. Nhầm to rồi nhé!
Tại một số cửa hàng, hàng tặng lại là một sản phẩm khác hoặc cùng một sản phẩm nhưng lại có kích cỡ, màu sắc khác, có mức giá rẻ hơn và chất lượng thường thấp kém. Nhà bán lẻ thường xuyên áp dụng mẹo này vì vừa bán được hàng tăng doanh số lại vừa “dọn sạch” được hàng tồn kho. Một khi bạn “sa chân” vào địa trận này thì các nhân viên sẽ tìm cách để khiến bạn phải rút “hầu bao”.
Để vượt qua cơn sóng combo và mua 01 tặng 01, bạn cần có một chiếc đầu lạnh và tỉnh táo để vượt qua được cám dỗ mời chào và tiếng “vẫy gọi” của những sản phẩm trưng bày. TNEX nhắc lại: hãy mua những gì bạn thật sự CẦN.
Giá viết tí ti, đọc mắt ti hí
Một trong những chiêu thức khiến người mua hàng “giận tím người” đó chính việc các nhà bán hàng viết giá bán và số lượng bé thật bé. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng TNEX tin chắc chắn bạn đã gặp rất nhiều rồi.
Ví dụ 10.000đ/0.5 kg ổi. Ở đây, hàng số 10.000đ hay 10K được phóng đại hết sức có thể với một màu mực vô cùng nổi bật nhưng khi đến gần, bạn mới tụt mood phát hiện hàng số 0,5kg được nằm hết sức “khiêm tốn và giản dị” phía trên.
Ban đầu, điều này được dùng nhiều ở các cửa hàng bình dân, xe bán thực phẩm, hoa quả,… nhưng các nhà marketing đại tài đã nhanh trí áp dụng ngay vào store mỹ phẩm, quần áo, đồ trang trí, nhà sách,…
Đừng vội tin những điều bạn thấy, bởi lẽ người bán muốn bạn tập trung vào số tiền “nhỏ bé” mà “lấp lửng” đi mặt hàng nào bạn sẽ mua, số lượng bao nhiêu với giá đó, có tính thêm phí gì nữa không,…
Xem thêm: Minimalist có phải lối sống GenZ nên theo đuổi?
Giảm toàn hàng tồn kho, hàng xé mác
Một trong những nỗi buồn của người đi mua hàng đó là việc mua phải hàng tồn kho, hết hạn hoặc đã qua sử dụng, có dấu hiệu hỏng, vỡ,… Cứ ngỡ giảm giá hàng tốt, hàng mới nhưng ai ngờ?
Để che mắt khách hàng, toàn bộ số sản phẩm cũ sẽ được nhân viên ở cửa hàng sẽ tân trang, sửa chữa lại, là ủi phẳng phiu trước khi mang ra trưng bày. Còn đối với, mua hàng online thì quả thực những câu chuyện “ảnh trên Internet – ảnh thực tế” là một chuỗi câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt.
Về điều này, một ít người mua hàng đồng ý vì dù sao họ cũng được mua món hàng mình thích, mặc dù chất lượng hơi “xuống cấp” một tẹo, vẫn là câu chuyện “thuận mua vừa bán” nhé! Tuy nhiên, để tránh trở thành “chiếc kho mới” mà các nhà bán hàng đổ hàng tồn kho, hàng hết hạn vào thì bạn cần sự kiểm tra hàng thật kỹ lưỡng trước khi mua về hạn sử dụng, chất liệu có sờn, mốc, mục,… hay có dấu hiệu đã qua sử dụng hay không.
Đối với mua hàng online, bạn có thể tham khảo các bình luận, phản hồi sau mua hàng, số sao đánh giá,… Tuy nhiên, nếu các cao thủ seeding vẫn luôn khiến bạn bất an thì hãy nhắn tin shop để hỏi chi tiết và xin hình thực tế của sản phẩm.
Tổng kết:
Dẫu biết, mỗi đợt giảm giá về sẽ đem lại cho bạn sự phấn khích, thú vị khi mua hàng bởi mỗi chúng ta đều mong muốn tiết kiệm nhưng vẫn mua được đồ có lợi. Bạn sẽ tiết kiệm được nếu có kế hoạch rõ ràng và các chi phí cho nhu cầu muốn cá nhân chỉ được vỏn vẹn trong 30% thu nhập tháng của bạn (dù trả tiền mặt hay chuyển khoản hay quẹt thẻ tín dụng). Hãy cẩn thận và “chậm lại một nhịp” trước khi quyết định mua hàng để trở thành người tiêu dùng thông thái nhé!
TNEX chúc bạn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm hấp dẫn khi mua sắm!
Xem thêm: Xu hướng tiêu dùng của Gen Z trong thời đại số
#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX