Sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động trẻ rục rịch chuẩn bị chuyển việc. Thực chất, đây là kế hoạch đã được tính toán trong thời gian dài trước đó. Nhờ sớm tìm ra “bến đỗ” mới, họ tự tin hơn và không bị áp lực với viễn cảnh thất nghiệp.
Tuy nhiên, nhóm này lại khó tránh khỏi cảm giác lo âu khi nghĩ đến những khó khăn tài chính xuất hiện ở giai đoạn chuyển giao. Nếu để tình trạng kéo dài, nỗi bất an về tiền bạc sẽ trở thành chấn thương tâm lý, dễ đưa cá nhân vào không ít tình huống khó khăn.
Nếu cũng sắp chuyển việc và cũng loay hoay với những trăn trở tương tự, bạn có thể cân nhắc những lời khuyên sau từ TNEX.
Vì sao “dứt áo ra đi”?
Đầu năm 2022, Pew Research Center công bố kết quả khảo sát 6.627 người trưởng thành tại Mỹ về lý do chuyển việc. Trong đó, 3 nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất gồm: lương thấp (63%), thiếu cơ hội thăng tiến (63%) và cảm thấy không được tôn trọng tại nơi làm việc (57%).
Tâm lý chung của bất kỳ ai khi thay đổi việc làm là kỳ vọng cơ hội tốt hơn. Song, họ dễ gặp khó khăn nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính trước khi thực hiện “bước nhảy”. Hãy cùng đào sâu vào từng lý do và những vấn đề xoay quanh chúng nhé!
Lương thấp
Đây dường như là nguyên nhân cơ bản và dễ hiểu nhất dẫn đến quyết định rời khỏi môi trường lao động cũ. Nếu không có nguồn thu đáp ứng được hoàn cảnh và các nhu cầu cá nhân, bạn khó duy trì nhịp sống như mong muốn. Đồng thời, các khoản chăm lo, phụ giúp người thân cũng bị hạn chế đáng kể.
Do đó, trước khi quyết định rời khỏi môi trường hiện tại, hãy đảm bảo vị trí mới cho bạn mức lương đủ cao để lo toan mọi thứ cần thiết. Bằng không, bạn có nhiều nguy cơ tiếp tục mệt mỏi với những nỗi lo về tiền bạc, thậm chí ở mức độ nặng nề hơn.
Thiếu cơ hội thăng tiến
Sau nhiều năm cống hiến, nhân sự nào cũng có nhu cầu tiến thêm trên con đường sự nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thường nghĩ chức vụ càng cao, thu nhập càng được cải thiện. Vì thế, rời đi khi thiếu cơ hội phát triển là hành động phù hợp.
Tuy nhiên, đôi khi được thăng tiến, có điều kiện tỏa sáng ở môi trường khác lại không đồng nghĩa với tiền lương “khủng”. Việc này thường dễ xảy đến với những người từ bỏ công việc bàn giấy để ra khởi nghiệp. Rõ ràng, họ có điều kiện làm phát triển vượt bậc, song đi kèm đó là nỗi lo lắng về tài chính. Giả sử, việc kinh doanh mới cần 2-3 năm để đạt được sự ổn định thì đâu là nguồn thu nhập đều đặn, giúp nuôi sống chính họ và gia đình?
Lúc này, nếu không có quỹ dự phòng hay vốn nhàn rỗi, rõ ràng bạn sẽ khó lòng nghỉ việc để chạy theo con đường mới như dự định.
Cảm giác không được tôn trọng
Tương tự, bạn có thể tìm được chỗ làm mới với kỳ vọng sẽ được đồng nghiệp, quản lý trân trọng, yêu quý và tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, đa số vấn đề gây tranh cãi của bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào cũng chỉ thực sự xuất hiện sau khi bạn đã gắn bó từ 6 tháng trở lên. Hoặc thậm chí, bạn sẽ gặp lại chính xác những sự cố từng gây phiền lòng như nơi làm việc trước đây.
Khả năng cao cá nhân sẽ rơi vào trạng thái thất vọng, mơ hồ và không biết mình đã làm sai điều gì. Một số người tiếp tục chọn cách thay đổi môi trường, nhưng họ lại thiếu bước suy xét lại toàn bộ quá trình. Bởi biết đâu, chính họ có những vấn đề chưa được giải quyết, dẫn đến vòng lặp của cảm giác thiếu sự tôn trọng. Bên cạnh đó, ngay khi rời đi, họ lại tiếp tục gặp những nỗi lo tài chính của cá nhân thất nghiệp. Chấn thương tâm lý lúc này sẽ càng bị tô đậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người trong cuộc.
Chuẩn bị gì để “hạ cánh” êm ái
Trong khảo sát của ngân hàng di động N26 tại Mỹ, 35% người trưởng thành ở nước này xem tiền bạc là nguyên nhân gây stress lớn nhất, sau đó mới tới gia đình, tình cảm.
Do đó, trước mọi quyết định, bạn cần lập kế hoạch tài chính vững vàng. Đây chính là bệ phóng vững chắc, cho phép chúng ta bay cao, dễ dàng chạm đến mục tiêu mới.
1/ Chuẩn bị các loại quỹ
Theo chuyên gia tài chính Mina Chung, không khó để giải quyết stress tài chính nếu cá nhân chủ động với vấn đề.
“Tôi xem tài chính như sức khỏe, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Tư duy phòng chống cho phép bạn chủ động chuẩn bị, lo toan trước cho nhiều trường hợp khó lường”, bà Mina khẳng định.
Muốn không rơi vào tình huống bất lợi trong giai đoạn chuyển giao sự nghiệp, hãy chắc chắn bạn có đủ các loại quỹ như quỹ dự phòng và quỹ khẩn cấp. Như đã nói, tình hình sẽ phức tạp hơn khi bạn đứng ra tự kinh doanh, khởi nghiệp. Lúc này, bạn nên tự hỏi mình một số câu hỏi như sau:
- Tôi có bao nhiêu tiền tiết kiệm có thể sử dụng ngay lập tức?
- Thực tế, tôi mất bao lâu để có nguồn thu nhập mới từ công việc này? Khoản tiền tôi đang sở hữu có đủ nhiều để giúp tôi trụ vững ít nhất 3-6 tháng tới?
- Liệu tôi có phải xử lý những chi phí mới liên quan đến việc tự kinh doanh này hay không? (chẳng hạn: một khóa học kỹ năng, giải quyết vấn đề nhân sự…)
2/ Kiểm soát chi tiêu
Lời khuyên của bà Mina Chung là quy mọi chi tiêu về 2 kiểu:
- Chi phí cần: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống. Ví dụ: tiền điện, nước, xăng, xe, các loại phí liên quan nhà ở…
- Chi phí muốn: Những thứ phục vụ xu hướng giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích của từng cá nhân như xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch…
Khi đã xác định rõ ràng, bạn chỉ cần tập trung chi trả cho những khoản thực sự quan trọng. Đây là cách đơn giản nhất để cá nhân hạn chế những trường hợp “vung tay quá trán” ngoài ý muốn, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao, chưa đạt được sự ổn định cần có. Trước khi bạn chuyển việc, và lỡ có chuyện gì với công việc mới, thì ít nhất bạn có đủ để trang trải các chi phí cần trong 6 tháng tới.
Quan trọng hơn hết, bất kỳ ai cũng nên bắt tay vào tiết kiệm càng sớm càng tốt. Khi bạn bắt đầu tiết kiệm và có sự kỷ luật đáng kể, các thói quen tốt dần hình thành. Chuyển việc sẽ không còn quá căng thẳng vì bạn đã có sẵn trong túi rủng rỉnh cho tương lai của mình.
Cuối cùng, đừng quên rà soát lại để đảm bảo xử lý mọi khoản nợ còn tồn đọng (chẳng hạn nợ tín dụng, nợ trả góp…). Hãy tranh thủ giải quyết mọi thứ khi vẫn ở công việc cũ, với mức lương ổn định thay vì đợi đến lúc đã nghỉ hẳn để tránh những rủi ro không đáng có. Cuối cùng, chúc bạn thành công với quyết định chuyển việc này nhé!
TNEX – Ngân hàng thuần số tốt nhất Việt Nam với những dịch vụ tài chính miễn phí và thuận ích sống dành cho người Việt. Website TNEX có rất nhiều nội dung hữu ích giúp bạn quản lý tốt hơn về thể chất, tinh thần lẫn tài chính, thương mời bạn gõ cửa ghé thăm. Rất cảm ơn bạn vì đã đồng hành cùng TNEX trong bài viết này.
#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX
Xem thêm: 6 kỹ năng sống khỏe dành cho Gen Z